https://lh5.googleusercontent.com/04ibZOs7f-U7PvXJ5OFwFkHS2mt8UcTwFoKRQUaoiuY=w1155-h539-no

 

CHÀO GIÁP NGỌ... Gửi gắm những tâm tình của con dân LÀNG TRUNG LAO

TẾT VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ - VŨ ĐÌNH HẢI ĐƯỜNG

    “ CHÚC MỪNG NĂM MỚI ” ( Happy New Year ) đó là câu đầu tiên mà mọi người đều nói  khi gặp nhau vào ngày đầu năm mới, tuy nhiên mỗi Quốc Gia lại có những cách chào đón năm mới theo phong tục, tập quán riêng.

     Hằng năm, sau khi cùng Dân Bản Xứ đón lễ Giáng Sinh và mừng Tết Dương Lịch, chia vui với những người chung quanh vào dịp này, nhưng dù có mừng Lễ nào lớn đến đâu đi nữa, người Việt xa quê vẫn náo nức chờ đợi cùng với Gia Đình, Đồng Hương sửa soạn đón mừng “ Tết Nguyên Đán” một cách long trọng mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng từ ngàn xưa Tổ Tiên để lại.

    Trong tâm trạng của người đi làm ăn xa quê, Năm hết Tết đến người Việt ở nước ngoài cũng cố thu xếp công việc về thăm nhà, viếng mồ mả Tổ tiên, riêng những ai không có điều kiện về ăn Tết thì ngoài việc gửi thư từ quà cáp cho người thân ra, còn dành  thời giờ tham gia các hoạt động vui chơi mừng Xuân đón Tết Âm Lịch nơi xứ người mà vẫn mang đậm  truyền thống văn hóa Việt Nam.

     Ở đây ba ngày “Tết Ta” không được nghỉ, người lớn đi làm, học sinh phải đến trường. Địa dư Nước Mỹ lại rộng lớn bao la, kéo theo thời tiết khác biệt của từng vùng, người Việt lại ở rải rác nhiều nơi, bởi vậy muốn cho bà con tụ họp về thì cả mấy tháng trước Ban Tổ Chức đã phải lo chuẩn bị dùng mọi phương tiện truyền thông loan báo tin tức chương trình trên đài phát thanh, đài truyền hình và báo chí phổ biến rộng rãi vì những ngày Tết đa số vẫn phải bận rộn đi làm, nên mọi sinh hoạt đều tập trung vào những ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật trước Tết với những ngày Hội Chợ Cộng Đồng, đêm Văn Nghệ Đón Mừng Năm Mới, sau đó còn lai rai các cuộc Họp Mặt Tân Niên của Hội Đoàn, của bạn bè Đồng Hương ở nhiều nơi.

    Hội Chợ Tết với số lượng người và xe đến rất nhiều, nên địa điểm tổ chức thường là Công Viên rộng rãi, hoặc Khuôn viên Trường Học đầy đủ tiện nghi, ngoài sân khấu chính ở trung tâm ra, còn có nhiều lô bán hàng,nhiều gian trưng bày hình ảnh sinh hoạt của các giới. Nội dung ngoài mục đích tạo cơ hội cho Bà Con gặp gỡ, thăm hỏi nhau ra, còn nhằm thực hiện, duy trì và phát huy truyền thống văn hóa Việt nơi xứ người, với nghi thức khai mạc cổ truyền âm vang tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên trong tiết mục Lễ Bái Tổ Tiên, tiếp đến Múa Lân – Đốt Pháo, Sớ Táo Quân, Biểu diễn Việt Võ Đạo, phần Văn nghệ đậm sắc Quê Hương với những màn múa, hát Tân cổ nhạc, hát karaokê, thi Trẻ em đẹp, thi Áo dài, thi Hoa Hậu Phu Nhân, thi Cờ Tướng và các trò chơi Dân gian với nhiều giải thưởng hấp dẫn. Đến đây Đồng Hương còn được thưởng thức các món ăn dân giã của ba miền Bắc, Trung, Nam và mua sắm các vật dụng liên quan tới ngày Tết như: Hương đèn, hoa nến, Đồ hàng mã cúng tế, trái cây đủ loại, bánh chưng, bánh tét, giò chả, củ kiệu, tôm khô, bánh mứt, Hoa mai, Hoa đào, Cây cảnh bonsai, Tranh ảnh , Băng nhạc, Sách báo, Câu đối, Thư pháp Chữ Ta, Chữ Tàu đều có cả.

       Các Cụ thường nhắc : “ Tết về nhớ bánh chưng xanh”.Vâng, Tết mà không có món bánh chưng thì đâu còn là Tết, bởi vậy khi mới sang đây, các Bà nội trợ giữ lệ cũ vẫn gói bánh, nhưng vì lạ nước lạ cái không tìm đâu mua được lá chuối nhiều, đành phải hà tiện gói lá lớp mỏng bên trong cho có màu xanh, sau đó dùng giấy thiếc (Aluminum foil)  bọc bên ngoài nấu đỡ, vậy mà tính ra lá gói còn đắt tiền gấp hơn hai lần tiền mua gạo, thịt và nhân đỗ đậu. Vì làm ra tấm bánh với giá thành cao nên ít bán ngoài thị trường, chủ yếu để dùng trong Gia Đình hoặc biếu xén Bà Con Thân Hữu thôi. Thời gian sau nhờ giao thông thuận tiện hàng hoá đầy đủ từ trong nước mang sang, Thái Lan nhập vào chẳng thiếu thứ gì, ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm Á Đông bày bán nào là  lá dong, lá chuối, dây lạt, gạo nếp, đậu xanh và phụ kiện làm bánh Chưng, bánh Tét, thậm chí cái khuôn gói bánh cũng có, tạo điều kiện cho Quý Bà trổ tài Gia Chánh,nên bánh Chưng đã được phổ biến rộng rãi trong nhiều sắc dân, đến nỗi Ban Y Tế của Bang California  đã nhận định: “ Bánh Chưng là một loại Văn Hóa Ẩm Thực ngàn xưa của người Việt Nam” và Ban này đã thông qua: “ Dự luật A B – 2214 về việc cho phép bán Bánh Chưng công khai.” Đó cũng là điều hãnh diện cho người Việt Nam Ta ở xứ người. Tuy nhiên ở trên đất Mỹ không còn cái thú ngồi đánh tam cúc canh nồi bánh chưng để châm nước bên bếp lửa hồng ấm áp, nghe than củi nổ tí tách vui tai...mà đơn giản gói bánh xong cho vào nồi áp suất, dùng gaz để nấu chừng hơn hai tiếng đồng hồ là bánh rền, chỉ việc đem ra ép rồi nắn lại cho vuông vức, dán nhãn hiệu là xong.

      Đề cập tới Bánh Chưng tại Giáo xứ La Vang, Địa phận Orange hằng năm đều tổ chức gói nấu bánh Chưng bán cho Giáo Dân ăn Tết, tạo không khí đầm ấm trong Gia đình Giáo Xứ với sự cổ vũ nhiệt tình của Cha Chánh Xứ Nguyễn Văn  Luân, Cha Phó Xứ Thái Quốc Bảo cùng đội mũ, mặc áo bảo hộ, đeo Tạp dề, mang khẩu trang, xăn tay áo đeo găng lau lá, thái thịt, trực tiếp làm với Ban Chấp Hành và các thiện nguyện viên trong đó có nhiều Giáo Dân thuộc các sắc tộc khác cùng tham gia tạo tinh thần đoàn kết, hiệp nhất, yêu thương.

      Đi về Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vùng Galand Texas chúng ta sẽ thấy tại  nơi này cả chục năm nay, theo thông lệ trước Tết  thì “ Ban Bánh Chưng” ra thông báo bắt đầu làm việc sau Lễ Noel cho tới Tết, mỗi ngày làm việc từ 09 giờ sáng đến 09 giờ tối và mời gọi mọi thành phần Giáo dân tham gia vào các tiểu ban: Gia vị, vo gạo, làm thịt, lau lá, làm nhân, gói bánh, nấu bánh, vớt ép, tiếp vận, bán bánh v...v... tất cả mọi sự đều do cha Hà Quốc Dũng làm Trưởng ban trực tiếp điều hành. Số bánh làm ra bán gây quỹ xây dựng Thánh đường, Trường học và làm việc bác ái, nên bánh ra đến đâu  đều được mọi nhà trong Giáo Xứ ủng hộ, ngoài ra Ban này còn phụ trách  thêm phần vụ đóng gói bao bì mang Bánh ra Bưu Điện gửi đi khắp nơi theo yêu cầu của những ai muốn mua biếu thân nhân bạn bè ở xa, thật là thuận lợi đôi bề, một sáng kiến hay.

      Tết đến không thể chẳng nhắc tới  ấn phẩm báo chí, vì theo Nhà nghiên cứu Phạm Công Sơn      cho biết: Báo Tết là một sáng kiến độc đáo của riêng người Việt Nam, có lẽ khắp Thế giới không có nước nào in ra những số đặc biệt chào mừng năm mới như ở nước ta, cho nên muốn giữ truyền thống tốt đẹp đó cũng giống như ở quê nhà, còn cả mấy tháng mới Tết mà các Ông Bà chủ báo, đã kêu gọi Văn Nghệ Sĩ gửi bài vở về để in cho sớm cạnh tranh với các Nhật báo, Tuần san, Bán nguyệt san, Nguyệt san và các Đoàn thể, Hội Đồng hương dịp này cũng xuất bản báo ra mắt độc giả xa gần. Đa số báo về hình thức in ấn trình bày tuyệt đẹp, hình ảnh độc đáo, nội dung thật đa dạng, phong phú với các chủ đề về Xuân, tổng kết thời sự trong năm, thêm phần tử vi tướng số, đi kèm với thơ văn chuyện ký thật đặc sắc, xứng đáng là nón ăn tinh thần không thể thiếu trong mọi Gia đình Việt Nam mỗi khi Tết đến.

     Bước sang lãnh vực Tâm linh, gần tết các gia đình có điều kiện cũng ra Nghĩa Trang cắm hoa, thắp hương tưởng nhớ đến người thân đã ra đi theo tục lệ “ Tảo Mộ” ở quê nhà.

      Các Đền Chùa, Thánh Thất, Nhà Thờ đều sửa sang, trang hoàng rực rỡ, cờ xí tung bay đón mừng năm mới, ngoài việc đồng loạt tổ chức  các Hội Chợ, những buổi Văn nghệ, cho tín hữu quy tụ đông đảo về chung vui, còn tạo thêm bầu khí kết đoàn linh thiêng đưa lòng trí con người sống sắng đi vào các giờ kinh cúng bái, phụng vụ theo nghi lễ mỗi tôn giáo.

        Nơi các Chùa, Ni viện chương trình : Thuyết Pháp, Tụng Kinh, Lễ Phật, Thọ Trai và đi hành hương Hái Lộc đầu năm đã được thông báo cho Quý Phật Tử để mọi ngưỡi qui tập về tham dự cầu nguyện Tam Bảo xin cho Gia Đạo an vui, làm ăn phát đạt.

       Đồng bào Công Giáo Việt Nam Giáo Xứ Tam Biên, Tết năm nay lần đầu tiên vinh dự cử hành Thánh lễ Minh Niên tại nhà thờ Kiếng ( Crytal Catheral )  đẹp nổi tiếng Thế giới lâu nay của Anh Em Tin Lành trước đây, Giáo Phận Orange mới tạo mãi được làm nhà thờ Chánh Toà của Địa Phận giao cho Cha Chánh Xứ Nguyễn Văn Tuyên, Cha Phó Nguyễn Cao Thượng và Ông Nguyễn Việt Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ Tam Biên di dời về đây cai quản, và ngoài các sắc dân khác ra, còn có hơn 40% giáo hữu người Việt gia nhập Xứ Đạo, thành phần này luôn  được đánh giá cao sự đạo đức, lòng nhiệt thành trong mọi công tác chung vượt trội hơn nhiều nơi khác.

      Tại Giáo xứ Mẹ Việt Nam, giáo xứ của người Việt  duy nhất của Tổng Giáo Phận Hoa Thịnh Đốn với hơn 700 Gia đình Bổn Đạo quy tụ nơi đây, dù thời tiết lạnh, tuyết rơi nhưng chương trình mừng năm mới vẫn được tổ chức đầy đủ và được mọi người tích cực tham dự trong ba ngày Tết với những Thánh Lễ long trọng dâng lời cảm tạ và xin Thiên Chúa ban ơn trong năm mới được mọi sự lành, đồng thời là dịp bạn bè thân sơ tay bắt mặt mừng chúc tuổi nhau, thay vì phải tới từng nhà, quả là thuận tiện. Đặc biệt thánh lễ Giao Thừa do Đức Hồng Y Donald Wuert, Tổng Giám Mục chủ tế, trước đó với hương trầm nghi ngút, hoà quyện trong tiếng trống, tiếng chiêng âm vang có nghi thức dâng hương cầu nguyện cho Tổ Quốc và kính nhớ Tổ Tiên, sau lễ thêm phần Chúc Tuổi mọi thành phần Dân Chúa hiện diện, tiếp đến hái lộc, nhận bao lì xì, chụp hình chung, xem Văn nghệ và dùng tiệc Tất Niên trong bầu khí ấm áp gia đình Xứ Đạo, tình Cha Con gắn bó cùng tưng bừng đón xuân.

        Theo sự xoay vần của vũ trụ, những ngày lạnh lẽo Mùa Đông Quý Tỵ 2013 qua đi, Mùa Xuân Giáp Ngọ 2014 trở về với muôn loài đổi thay, cây cối đâm chồi nẩy lộc, vạn vật khoe sắc, trong bầu khí rộn ràng ấy, người dân Việt xa xứ dù sống ở phương trời nào, cũng cố gắng tham gia các tổ chức  sinh hoạt cổ truyền của Dân Tộc mình để hồi tưởng lại những ngày còn sống ở Quê Mẹ với biết bao kỷ niệm đẹp một thời nay đã đi vào dĩ vãng, mà trong lòng vẫn bồn chồn, nao nức hướng về Quê Cha Đất Tổ vào những giờ phút linh thiêng này, để rồi cầu mong cho mọi người được an vui, nhà nhà ấm no hạnh phúc, Quốc Gia thịnh vượng phú cường.

                                                                       Hoa Thịnh Đốn , những ngày tháng đầu năm 2014

                                                                                       VŨ  ĐÌNH  HẢI  ĐƯỜNG

GIÁP NGỌ - ĐƯỜNG ĐẾN “ĐÔNG PHƯƠNG” - VŨ ĐÌNH CƯỜNG

       Tiết Đông chí đang dần chuyển Lập Xuân, gió giao mùa se lạnh khiến lòng người cảm tác. Chiều 22 tháng 1 năm 2014 (nhằm 22 tháng Chạp năm Quý Tỵ), tại Nhà xứ - giáo xứ Hạnh Thông Tây, Gò Vấp. Đoàn Đại diện Đồng hương Trung Lao miền Nam đến thăm - Chúc mừng Năm mới Cha Giuse Phạm Đức Tuấn, cùng ngỏ lời chân thành chúc Tết toàn thể Dân Làng. Nguyện xin tràn đầy Hồng ân Thiên Chúa, dồi dào sức khỏe, an bình và hạnh phúc. Ngoài bánh mứt các thứ, Đoàn còn trao tặng Cha một Bức hoành phi được thủ bút và trình bày bằng thể thơ Thất ngôn Bát cú Đường luật mang ý nghĩa “Ngày Tết Trung Lao”. Sau đó dự Liên hoan Tất niên thân mật, trao đổi thông tin Đồng hương mọi miền và hướng tới nhiều công việc ra Giêng. Cũng Bức hoành phi ấy, hai hôm trước đã trao tặng đồng chúc Tết Tổng giám đốc Tập đoàn Nhà hàng Đông Phương (The ADORA Dong Phuong Group) - Giuse Vũ Thanh Tâm, nhằm nối kết nghĩa tình Đồng hương bền vững ngày càng thêm tốt đẹp.

 

    Tết đến Trung Lao khắp mọi nhà

    Hai miền chung một khúc hoan ca

    Thôn trên trà đạm nào dưa mứt

    Xóm dưới tửu thanh lẫn thịt thà

    Cầu chúc chị em vàng cấp chin

    Nguyện xin chồng vợ gạo nồi ba

    Chả phồng giò thủ nem đầy bát

    Nam Bắc đào mai cũng mặn mà.
     

       “Ngày Tết Trung Lao” với Dân làng ta bây giờ sung túc đã đành, còn của ăn của để lai rai quanh năm. Đến đây mới nhớ chừng 40 năm trước tại Sàigòn, chẳng mấy ai khó khăn lắm đâu. Ấy vậy, cũng thường thấy những hoàn cảnh éo le:

 

   “Năm mới Xuân về mai thắm xinh

    Làng trên thôn dưới khách đưa tình

    Cô hàng cháo sáng quần nhung đỏ

    Mụ quán chè chiều áo lụa xanh

    Bánh nếp bánh dầy dăm chục tấm

    Rượu vang rượu mạnh mấy mươi bình

    Người ta như thế Xuân tìm đến

    Có kẻ “mậu sìn” đứng lặng thinh”.

                              (Tết Ất Mão 1975)

       Thế rồi những năm cuối của thập kỷ 1980, tất yếu còn nhiều thiếu thốn. Tuy nhiên Pháo nhói lại nổ dòn rôm rả, dành Nghinh Xuân chúc Tết hoặc Lễ lạt quanh năm.

 

   “Năm nay ăn Tết cái gì đây?

    Vẫn biết chợ đông - mứt kẹo đầy!

    Tiền có mua dưa, cam với bưởi

    Gạo không bán nắng, gió cùng mây

    Bánh chưng muốn gói e đàn chuột

    Chả quế toan treo sợ lũ cầy

    Thấp thoảng Giao thừa mờ khói pháo

    Cũng xong được hũ củ hành cay”.

                                     (Tết Tân Dậu 1981)

 

       Thật lòng mà nói thì gia đinh mình vốn xoàng xoàng thôi, có điều đa đoan nào trong nhà ngoài phố - việc bao đồng… Dù sao chăng nữa vẫn mong mỏi Xuân về và Tết đến làm vui.

 

    Sáng cháo trưa cơm tối bánh canh

    Mẹ già hôm sớm lá nương cành

    Xuân ơi đến nhé, vui nhà cửa!

    Vạn ánh sao trời lấp lánh xanh.

 

       Chớ đâu vào khoảng đầu thế kỷ thứ 20, như Tiên sinh Trần Tế Xương (1870 - 1906) ở phố Vị Xuyên - Nam Định, đã ngậm ngùi Chúc Tết rằng:

 

   “Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau

    Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu

    Năm nay có dễ ông buôn cối

    Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu!

 

    Nó lại mừng nhau những sự sang

    Người thì bán tước kẻ buôn quan

    Năm nay ông quyết đi buôn lọng

    Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng.

 

    Nó lại mừng nhau cái sự giầu

    Trăm nghìn vạn ức chẳng vào đâu

    Năm nay có dễ gà ăn bạc

    Đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu.

 

    Nó lại mừng nhau sự lắm con

    Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn

    Phố phường chật hẹp người đông đúc

    Bồng bế nhau lên nó ở non”.

     

        Rồi Tiên sinh rất lấy làm chua chát:

 

   “Bắt chước ai ta chúc mấy nhời

    Chúc cho khắp hết cả trên đời

    Vua quan sĩ thứ người muôn nước

    Sao được cho ra cái giống người”.

 

       Ước chi chuyện thời xưa chẳng phải chuyện ngày nay, để mùa Xuân tươi đẹp mãi; và Đường đến “Đông Phương”, Bình minh luôn rực rỡ.

 

                                                                     Ngày 23/1/2014

                                                          (23 tháng Chạp - Táo lên Trời)

PHIÊN CHỢ TẤT NIÊN - VŨ LIÊM


       Nói đến phiên chợ cuối năm (tất niên), mẹ tôi thường có câu cửa miệng: "Mua bán quanh năm không bằng phiên chợ tất niên". Câu nói của mẹ có nghĩa là bán hàng đắt hay rẻ chỉ nhờ vào phiên chợ cuối năm này.

       Chợ Tết của người Việt có từ ngàn đời nay. Chỉ khác ở chỗ, thời văn minh hiện đại thì hàng hóa đa chủng loại, phong phú; mẫu mã bắt mắt, thích ứng với thị hiếu của từng lứa tuổi, của người tiêu dùng hơn... Nhớ hồi còn nhỏ, tôi rất thích lon ton theo mẹ đi chợ Tết. Chợ quê tôi bán mua đủ thứ từ nải chuối, gà vịt, lòng lợn, mớ tép, thúng mủng, quang gánh... cho đến lá dong, hành tỏi, trầu cau... Chợ ở quê, dường như vườn tược nhà ai có thứ gì thì đem bán thứ nấy.

        Đi chợ Tết vui lắm, người khắp mọi ngả đổ về như hội. Có nơi xa chợ tới gần chục cây số, bà con phải lục tục gồng gánh, đi từ tinh mơ. Nhiều thứ rau củ quả mang tới chợ dù được giá hay rớt giá vẫn bán hết sạch.

       Chợ đêm cũng rất thú vị, nhất là những ngày giáp Tết ở miền Bắc lạnh thấu xương. Hai ba giờ sáng đã râm ran tiếng nói cười í ới, nào bao nào sọt, xe pháo thồ hàng đi chợ xa. Tới nơi, dưới ánh điện leo lét, hàng hóa được chị em khéo tay sắp đặt đâu vào đấy. Trong khi chờ cánh phụ nữ đi sắm đồ, các chị em lại trò chuyện rôm rả. Đi chợ, các ông thì ngắm nghía những chậu hoa kiểng... Các bà các mẹ thì hồ hởi chọn quần áo mới cho con trẻ. Hàng Ngũ quả ngày Tết, khách cứ đông nườm nượp...

       Ai cũng muốn mua bán thật nhanh chóng để còn về nhà dọn dẹp đón Tết. Vì thế phiên chợ tất niên tấp nập, ồn ào mà vui vui là thế!

                                                                        VŨ LIÊM

                                                                   Tháng 1/2014

 

TÌNH MẸ: KHÔNG CHỊU BUÔNG TAY! - Chuyện ngắn

       Vài năm về trước, vào một ngày mùa hè , một cậu bé quyết định đi bơi ở con sông gần nhà. Trời thì nóng mà nước sông thì mát, cậu mừng rỡ nhảy ào xuống, bơi ra giữa sông mà không để ý rằng một con cá sấu đang bơi lại phía sau!
 
Cùng lúc đó, mẹ cậu bé đang ở trong nhà và khi nhìn ra cửa sổ, bà hoảng hốt khi thấy con cá sấu tiến ngày càn gần cậu con trai hơn! Hoảng sợ tột độ, bà mẹ lao ra, nhanh gấp nhiều lần cậu bé khi cậu chạy đi bơi, vừa chạy, vừa hét gọi con trai. Nghe tiếng mẹ gọi, cậu phát hiện ra con cá sấu và bơi ngược trở lại về phía bờ. Nhưng quá muộn, đúng khi cậu bơi tới bờ thì cũng là lúc con cá sấu đớp được chân cậu! Từ trên bờ, người mẹ chậm một giây, chộp lấy cánh tay cậu. Và bắt đầu một trận kéo co không cân sức. Con cá sấu khoẻ hơn người mẹ rất nhiều, nhưng người mẹ còn quá nhiều tình thương và không thể buông tay.
 
Lúc đó, một bác nông dân đi qua, nghe tiếng kêu cứu vội vã của người mẹ nên đã vội vã lấy một chiếc gậy to ra cùng chiến đấu với con cá sấu! Con cá sấu đành thả chân cậu bé ra.
 
Sau hàng tuần, hàng tuần trong bệnh viện, cậu bé đã được cứu sống. Nhưng chân cậu có một vết sẹo rất to, trông rất khủng khiếp – bằng chứng của lần bị cá sấu tấn công.
 
Một phóng viên tới gặp cậu bé khi cậu đã hoàn toàn bình phục. Phóng viên này hỏi cậu bé có thể cho xem vết sẹo được không. Cậu bé kéo ống quần lên, để lộ vết sẹo cho phóng viên chụp ảnh. Và phóng viên nọ đã nói rằng vết sẹo này cậu bé sẽ không thể nào quên!
 
- Không đâu, hãy nhìn tay cháu đã! – cậu bé nói rồi kéo tay áo lên. Trên tay áo của cậu là một vết sẹo to, thậm chí còn sâu hơn cùng với những vết cào xước rất đậm và kéo dài do móng tay của mẹ cậu – khi người mẹ dồn tất cả sức lực và yêu thương đễ giữ lại đứa con trai yêu quý.
Cậu bé nói với phóng viên:
- Chính vết sẹo này cháu mới không bao giờ quên được! Và cháu tự hào về nó, tự hào vì mẹ cháu đã không chịu buông tay.
 
Trong cuộc sống những người cha – người mẹ luôn như thế đấy, họ yêu đứa con của mình bằng cả trái tim và chấp nhận hy sinh, chấp nhận đau đớn và níu giữ lấy ngay cả những hy vọng nhỏ nhoi, mong manh nhất chỉ cần đứa con mình được sống, được no đủ và êm ấm.
 
Bất cứ người cha, người mẹ nào cũng sẽ không bao giờ buông tay khi con mình đang ở trong tận cùng hiểm nguy. Nơi bình yên nhất, chính là trong vòng tay gia đình thân yêu!
 

Gia đình chính là nơi bình yên và luôn dang tay che chở ta. Là nơi ta tìm về khi mệt nhòai trên con đường đời đầy rẫy chông gai.


THƠ THẨN CUỐI NĂM   
 
Em ơi có bán nụ cười
Anh đi chợ Tết ngắm người bán hoa
Hỏi em "cây khế, vườn cà"
Tầm xuân đang nụ hay đà biếc xanh?
Trăm bông ưng có một cành
Còn e ấp nụ, phần anh nụ cười!
                                                   VHL
                        *****************                  
Cuối năm, bóc tờ lịch cũ
Nghe thời gian trôi
Lại thấy mình thêm tuổi
Thương mẹ lưng còng!
 
Cuối năm, bóc tờ lịch cũ
Nhẹ tênh như gió giao mùa
Lại thấy mình khôn lớn hơn xưa
Thương cha tóc nhiều sợi bạc...
 
Tháng Mười hai, tờ lịch cuối cùng cũng hết
Ba trăm sáu mươi lăm ngày vuột mất
Kiểm nghiệm lại mình, nụ cười và nước mắt
Soi gương có thấy những lỗi lầm?
                                            TTN