HANG BÊ LEM BẢN THÁNH CA TUYỆT VỜI VÀ NHẠC SƯ HẢI LINH

HANG BÊ LEM BẢN THÁNH CA TUYỆT VỜI VÀ NHẠC SƯ  HẢI LINH
  • Nguời sáng lập Nhạc Đoàn SAO MAI  Tại Bùi Chu – 1947.
  • Vị Thủ lãnh Ban Hợp Ca HỒN NƯỚC  Tại Sài gòn – 1957.

 

I .- THÁNH CA VỚI MÙA LỄ HỘI GIÁNG SINH.

      Hàng năm Mùa Đông trở về, tiết trời se lạnh, lòng người nô nức đón mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Thế làm người. Để chào đón sự kiện Chúa ra đời, biết bao bản nhạc đã được các Nhạc sĩ trên toàn Thế giới sáng tác xoay quanh biến cố lịch sử trọng đại này, bởi vậy trong sứ điệp Giáng Sinh năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II viết: “…Từ đêm Bê lem xa xưa cho đến ngày nay, việc Chúa Sinh ra vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các bài ca hân hoan diễn tả sự từ ái của Thiên Chúa được reo rắc trong lòng con người…”.

 

       Trong muôn vàn bài thánh ca mừng Giáng Sinh đã xuất hiện lâu nay trên toàn cầu, người ta phải nhắc đến bản “Stille Nacht – Silent Night” (Đêm Thanh bình ) của Linh mục Joseph Mohr và Ông Franz Xaver Guiber đã sáng tác và trình diễn trong một hoàn cảnh đặc biệt tại xứ đạo Obernodorit thuộc nước Áo vào năm 1818, để rồi từ đó lan tràn đi khắp nơi và đã được dịch ra trên 100  thứ ngôn ngữ khác nhau, và vào năm 1948 Nhạc sĩ Hùng lân đã phỏng dịch tác phẩm này ra lời việt, đó là bài “Đêm Thánh Vô cùng” mà chúng ta thường ca vang mỗi dịp Noel về.

      Hằng năm tại Việt Nam không đợi đến ngày chính lễ, mà mới bước vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, khi ca khúc TRỜI CAO của nhạc sĩ Duy Tân: “ Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng Chuộc Tội” vang lên trong các Giáo đường là đã khởi đầu báo hiệu cho mùa lễ hội Giáng Sinh trở về, bầu khí trở nên rộn ràng, náo nức chờ mong đón tiếp những giai điệu, ca từ của các bài Thánh ca như: “Đêm Ánh Sáng” của Duy Xuyên, “Cao Cung Lên”   

của Hoài Đức, “Đồng quê Bê Lem” của Minh Trân, “Nửa Đêm mừng Chúa ra đời” của Phaolô Đạt càng làm rung động lòng người.

      Khi đề cập đến những Bài  hát nổi tiếng về Giáng Sinh, chúng ta không thể chẳng nhắc tới một tác phẩm tuyệt vời . Đó là nhạc phẩm: “ HANG BÊ LEM” của Nhạc Sư HẢI LINH đã xuất hiện cách nay 67 năm tròn, mà có người lấy lời mở đầu để đặt tên, gọi là bài : “ ĐÊM ĐÔNG”.

 

II .- ĐÔI NÉT CHẤM PHÁ VỀ LAI LỊCH BÀI HÁT – HANG BÊ-LEM

     Với biết bao biến chuyến của thời thế, trải dài theo năm tháng kể từ buổi đầu sơ khai trình làng vào chính Đêm Giáng Sinh năm 1945 trong lòng ngôi Thánh Đường Chính Tòa PHÁT DIỆM, do chính tác giả điều khiển ca đoàn Nhà Thờ trình diễn lần đầu tiên, từ đó lời ca tiếng hát “ Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…” đã vang xa và đi sâu vào lòng người Tín hữu từ Miền Bắc đi lần xuống Miền Nam, để rồi lại từ chốn Đô Thị sầm uất lan tới vùng quê xa xôi hẻo lánh, từ đó với đủ mọi thành phần Tín Hữu, Nam, Phụ, Lão, Ấu cùng đưa tâm hồn mình lên hòa cùng với Thần Thánh trên trời, đi theo dòng nhạc trầm bổng du duơng của “ Hang Bê – Lem” để  Mừng Chúa GiêSu Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần.

     Sự xuất hiện của “ Hang Bê Lem” cũng thật bất ngờ và hy hữu. Vì bấy giờ vào tháng 11 năm 1945 lúc đó Hải Linh mới có 25 tuổi, đang dạy Pháp Văn và Âm Nhạc tại Trường Thầy Giảng ở Nam Định, chỉ vì một lời thách đố mà Tác Giả  đã sáng tác bài hát này. Qua bài phỏng vấn đăng trong Tập Tưởng Niệm ngày 06.01.1991 lễ Giỗ lần thứ 3 của Hải Linh, Chúng ta hãy nghe tâm sự do chính Nhạc sư kể về giai thọai và lai lịch bài thánh ca này của Ông như sau:

“…Một hôm, tôi đi ngang qua tòa soạn Báo Đường Sống ở Nam Định, do Ông Đỗ viết Châu (Minh Châu ) làm Chủ Nhiệm, thấy tôi thường hay hát nên đố tôi làm được một bài để đăng vào Báo Đường Sống nhân mùa Giáng Sinh. Tôi nhận lời và hẹn 3 ngày sau trở lại…” và kết qủa cuộc thách đố này ra sao ? Tác gỉa nói tiếp: “ Sau 3 ngày, tôi đưa bản nhạc “HANG BÊ LEM” đến và tập sơ qua cho một số anh em trong toà sọạn. Khi hát lên, mọi người thấy thích quá, nên ông Minh Châu chủ nhiệm  mới thương lượng với tôi thế này: Ông sẽ chịu chi phí cho một người cầm bản nhạc lên Hà Nội để thuê khắc vào bản gỗ; rồi sau khi đã in vào 2.000 số báo Đường Sống thì sẽ cho tôi lại bản gỗ của bản nhạc.Tôi cũng đồng ý như vậy, cho nên phần tên tác gỉả của bài hát này đôi khi được viết kép là Hải Linh – Minh Châu. Tôi còn nhớ lúc ấy, tôi đã in ra 500 bản để bán với giá 3 hào hay 3 xu gì đó. Tôi gửi lên Hà Nội 10 bản. Một số Nhà Thờ đã hát và nhiều người thấy hay nhưng không tìm đâu ra bản nhạc. Tôi thật là một anh nhà quê vì đối với Thủ đô Hà Nội mà chỉ gửi có 10 bản nhạc! Tôi cũng gửi biếu Đức Cha Phêrô Chi – lúc ấy còn là linh mục dạy ở Trường Lý Đoán Phát Diệm - một bản”.

       Cùng với đông đảo Cộng Đoàn Tín Hũu tham dự lễ Giáng Sinh đêm 25.12.1945 năm ấy, trên Cung Thánh ngôi Nhà thờ Đá Phát Diệm còn có sự hiện diện của Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi dâng lễ, chứng kiến tác giả điều khiển Ca Đoàn hát “Hang Bê Lem” quá hay, sau đó Ngài tìm gặp và khen ngợi Hải Linh: “Bản nhạc của Thầy là một tuyệt tác, hãy tiếp tục nghiên cứu và sáng tác thêm!”.Riêng Triết Gia Linh Mục Đa mimh Lương Kim Định để khích lệ và tán thưởng tác giả, Cha đã mua một bản “Hang Bê Lem” danh dự với giá 100 đồng thời bấy giờ.

       Còn một chi tiết khá thú vị gắn liền số mệnh khởi đầu việc đi du học của Hải Linh là nhờ bài “ HANG BÊ LEM” vì theo Hải Linh cho biết: “Cho đến năm 1950, khi Cha Phạm Ngọc Chi được thụ phong Giám Mục coi sóc Địa phận Bùi Chu, Ngài đã nhớ đến bài hát của tôi tặng Ngài trước đây nên Ngài đã gửi tôi sang học tại Âu Châu”. Từ đó Hải Linh càng có cơ hội học hỏi, trao dồi nghề nghiệp tại các Nhạc Viện danh tiếng với nhiều bậc Thầy Âm nhạc nổi danh để rồi tìm ra hướng đi riêng cho mình qua chủ đề: “TÔN VINH THIÊN CHÚA – TÁN TỤNG QUÊ HƯƠNG”.

        Xin nói thêm, thật đáng buồn có thời gian ở Sài Gòn, phải chăng để phù hợp với khí hậu nắng ấm Miền Nam nên có tập nhạc của ai đó đã tự ý sửa 5 chữ đầu: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa Sinh ra đời…” bằng câu: “Hát khen mừng Chúa Giáng sinh ra đời…” mà không được sự chấp thuận của tác giả…Rất may sự thay đổi này kéo dài chẳng bao lâu, nay đã trả về nguyên bản.

 

III.- SƠ LƯỢC TIỂU SỬ NHẠC SƯ TÁC GIẢ:

       Nhạc sư Hải Linh tên thật là Phanxicô Assisi Trần văn Linh, đây là danh tính cuối cùng của Ông, sau nhiều lần đổi tên, vì từ lúc mới chào đời Bố Mẹ đặt tên là Trần văn Đệ, nhưng khi lên 11 tuổi đi tu dâng mình cho Chúa được Cha Già Trác nhận làm con, để cùng vần TR với Cha bảo trợ, Cậu Đệ đổi tên là Trần văn Trị. Đến năm 1936 khi lên Chủng viện Ninh Cường được Cha Già Liễn đỡ đầu, lại chọn vần đầu chữ L nên ông lấy tên Linh và kỳ này được Ông quyết định chọn chính thức trong giấy tờ tùy thân: TRẦN VĂN LINH và lần luợt lấy Bút danh: HẢI – LINH, hoặc MINH ĐỆ.

       Nhạc Sư Hải Linh sinh ngày 04.10.1920 tại làng Ứng Luật, Phủ Kim Sơn, Tỉnh Nam Định, thuộc địa phận Phát Diệm. Thân phụ là Cụ Ông Phêrô Trần văn Minh, giữ chức Chánh Trương Giáo xứ Ứng Luật, Cụ có biệt tài trong nghệ thuật Đắp Tượng, Thân mẫu là Cụ Bà Maria Nguyễn thị Lan làm Quản giáo Xứ Lưu Phương phụ trách: Xướng Kinh và dạy Nhi Đồng việc Dâng Hoa, Than Mồ, Ngắm Lễ. Gia Đình Ông Bà Cụ Chánh Minh sinh được 7 người con, 5 trai và 2 gái, Hải Linh là con thứ 2 và còn có người con thứ 6 đi tu, đó là Linh Mục Nhạc sĩ Hùng An Trần văn Hoan, phục vụ tại Giáo phận Xuân Lộc Đồng Nai.

       Năm 1931 Hải Linh đã rời nhà đi tu và từ đó lần lượt qua các Trường Thử ở Trung Linh – Nam Định, lên Tiểu Chủng viện Ninh Cường. Kế đến đi giúp Xứ An Bài và vào học tại Trường Thầy Giảng Bùi Chu năm 20 tuổi. Sau đó được giữ lại dạy Âm nhạc và Pháp văn tại trường. Thời gian này Ông bắt đầu sáng tác và lập Ca Đoàn SAO MAI .

         Bằng việc tự học, nghiên cứu trong nước (1945 -1950 )  và thời gian từ năm 1950 – 1956 đi du học, trong quá trình được đào tạo âm nhạc tại RÔMA và PARIS, kết quả thành đạt với  luận án tốt nghiệp ưu hạng tại Nhạc viện César Franck Paris về đề tài: “ Màu sắc Việt Nam trong Bình Ca” ( La couleur Vietnamienne dans le Chant Grégorien” Hải Linh được Giáo sư Viện Trưởng S. Guy de Lioncourt là ngưòi trực tiếp hướng dẫn và có lời phát biểu về người học trò Việt Nam của mình: “ Trong suốt cuộc đời dạy học của tôi, tôi chỉ gặp được 2 bậc Thiên tài, đó là Francois Hải Linh và một người nữa là Trưởng Ban Nhạc Đài Phát thanh Nhật Bản mà thôi”.

       Trở về nước năm 1957, ngoài thời gian đi Hoa kỳ nghiên cứu về Âm nhạc và Giáo dục (1961-1970) Ông đã được mời dạy tại Nhạc Viện  Sài Gòn, Đại học Đà lạt, trường Suối Nhạc, Đặc biệt Hải Linh còn thành lập Ban Hợp Ca HỒN NƯỚC đi trình diễn ở khắp nơi, đồng thời mở những lớp đào tạo Ca Trưởng cho các Xứ Đạo rất thành công. Một sự kiện lớn xẩy ra cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam từ 16 đến 18.2.1959 Đại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc diễn ra tại Thủ đô Sài Gòn, Ca Đoàn Hồn Nước đóng góp công sức lớn về nghệ thuật hợp ca, riêng bản “ NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH” của Hải Linh ca lên vang lừng suốt các ngày Đại Hội.Với tài năng,sự hoạt động bền bỉ và uy tín nên vào tháng 1 năm 1971 Đức Cha Giuse Phạm văn Thiên đặc trách Ủy Ban Phụng Vụ Thánh nhạc đã Chính thức mời Hải Linh tham gia vào Ban Thánh Nhạc Toàn Quốc.

       Sau 1975 mặc dù đời sống gặp nhiều khó khăn, nhưng Hải Linh vẫn lặng lẽ tiếp tục dạy đàn, dạy sáng tác và hướng dẫn lớp Ca trưởng tại tư gia cũng như ở Nhà thờ Huyện Sĩ Chợ Đũi, Giáo xứ Cha Tam Chợ Lớn, và có thể nói trong thời gian này tuy có ngăn trở nhưng Hải Linh  vẫn sáng tác được nhiều ca khúc đi vào lòng người như “Khúc Ca Mặt Trời”, “Tán Tụng Hồng Ân”chung với Linh mục Vũ đình Trác. Cũng tính trong vòng 10 năm (1975-1985) vượt qua mọi trở ngại, âm thầm nhẫn nại lần lượt Hải Linh đã đào tạo được thêm hơn 500 người  tốt nghiệp lớp điều khiển các Ban Hợp Ca, để rồi trở về Xứ Đạo của mình tiếp tục mở những lớp dạy nhạc mới duy trì Ca Đoàn tại địa phương, lo cho lớp kế thừa.

        Tháng 5 năm 1986  Hải Linh sang Hoa Kỳ đoàn tụ với Gia Đình và Ông lại tiếp tục mở các lớp đào tạo Ca Trưởng tại nhiều tiểu bang; New Orléans, California, Portland, Missuri, Texas… Trong Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh 24.12.1987, Hải Linh cùng Cộng Đòan Họ Đức Mẹ Lên Trời ở Bang Louisiana hợp ca bản “ HANG BÊ LEM” kỷ niệm bài Thánh Ca bất hủ này tròn 42 tuổi, đây cũng là lần điều khiển  Ca Đoàn cuối cùng trong cuộc đời của người Nhạc sĩ đầy tài hoa. Vì ngày 6 tháng 1 năm 1988 Nhạc sư Hải Linh đã đột ngột  từ trần do nhồi máu cơ tim, tại Bệnh Viện Fountain Valley- California – Hoa Kỳ . Hưởng Thọ 68 Tuổi.

 

IV.- CÔNG LAO SỰ NGHIỆP VỀ ÂM NHẠC CỦA HẢI LINH:    

          Vào thời điểm năm 1944 Dân tộc Việt Nam đang bị chìm đắm trong Chiến tranh giặc giã, bởi sự thống trị của Chính Quyền Pháp và cả Quân Đội Nhật hung ác, làm cho người dân chịu  bao cảnh lầm than, trước viễn cảnh đó Hải Linh đã xúc động viết ra một ca khúc ngắn đầu đời :                                         “                        “ Mẹ ôi! Đoái thương xem nước Việt Nam,

                            Trời u ám chiến tranh điêu tàn.

                            Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an

                            Nước Việt Nam qua phút nguy nan”

    Bài ca ra đời cách nay hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn giá trị cho tới giờ đây, mỗi lần thắp nến cầu nguyện cho một biến cố nào, lời ca tha thiết này lại được Cộng Đoàn cất lên với niềm cậy trông nơi Mẹ Maria phù trợ.

     Một chuyển biến quan trọng trong lãnh vực Thánh Ca là việc gây dựng Nhạc Đoàn SAO MAI ở Bùi Chu vào năm 1947 với thủ lĩnh Hải Linh cùng một số thân hữu như Vũ minh Trân, Vũ đình Trác (Võ Thanh ), Ngô duy Linh ( Thăng Ca ), Trần thái Hiệp ( Hồ Khanh ) cùng nhau thực hiện được nhiều tác phẩm giá trị cả về Đạo cũng như Đời, từ khi đó các Nhà Thờ, các Trường học trong vùng đã dùng các tập “ Ca Vịnh Dâng Hoa Đức Me”và “Vui Ca Lên” của Nhạc Đoàn này để Ca hát Phụng vụ trong Thánh Đưòng, hoặc giúp các sinh hoạt Thiếu Nhi càng lành mạnh,vui tươi hơn.

         Thời gian sau khi du học về nước với hoài bão muốn đưa nền hợp ca Việt Nam ngang hàng với Quốc Tế, nên vào ngày 2 tháng 3 năm 1957 tại Sài Gòn Ca Đoàn HỒN NƯỚC do Hải Linh làm Thủ lãnh đã ra đời ,qui tụ nhiều Tu sĩ và Giáo Dân tham gia ,sau một thời gian tập dượt Ban Hợp Ca Hồn Nước đã mời Ban Hợp Tấu New York từ Hoa kỳ sang Việt Nam để cùng thi tài trong buổi Công Diễn  Đại Nhạc Hội Noel 1957 tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn với bầu khí vô cùng tưng bừng nhộn nhịp, kết quả ngoài sức tưởng tượng. Nhạc Trưởng Sherman đã hết lời đề cao Hải Linh và Ban Hợp Ca Hồn Nước sau khi thưởng thức các nhạc phẩm Việt Nam, bởi vậy sau khi thưởng thức bài “Đà Lạt Trăng Mờ”, thì Ông Sherman có vẻ xuất thần nói với Hải Linh: “ Bài này tôi nghe cứ như từ một cảnh huyền mơ nào của miền núi non hữu tình…”

         Cả cuộc đời Nhạc sư Hải Linh còn luôn trăn trở với việc giáo dục đào tạo nhân sự lâu dài, cùng giữ gìn bản sắc Dân Tộc cho nền Âm nhạc Nước nhà, nên Ông đã viết, sáng tác để lại cho hậu thế nhiều tài liệu, tác phẩm giá trị về cả hai lãnh vực Giáo Hội và Xã Hội, bao gồm khoảng 120 tác phẩm và trên 40 bản đệm đàn cùng 10 tập huấn luyện Ca Trưởng, có thể chia làm 3 thể loại chính như sau:

1- Phần Nghiên Cứu và Giảng Dạy Âm Nhạc:

-  Các Tài liệu về đào tạo Ca Trưởng .

- Tìm hiểu về nhạc Ngũ Âm – Ngũ Cung.

- Màu sắc Việt Nam trong Bình Ca.  .

Đặc biệt còn có 2 tác phẩm “Lối viết thoáng mỏng” và “Trình tấu sống động”.

  2 - Phần Thánh Ca – Thánh Nhạc với Chủ Đề TÔN VINH THIÊN CHÚA:

       Với hàng trăm tác phẩm ca ngợi Thiên Chúa, Tôn vinh Mẹ Maria cùng Các Thánh trong đó phải nhắc tới: Hang Bê Lem, Dâng Hoa, Kính mừng Nữ Vương, Tiếng nhạc oai hùng, Tán Tụng Hồng Ân, Ngài là Thiên Chúa, Ca khúc Mặt trời. Cách riêng Giáo trường ca AVE MARIA ( phổ nhạc bài “ Thánh nữ Đồng trinh Maria của Thi sĩ Hàn Mạc Tử), gồm 10 ca khúc trong đó có 3 bài  đưọc nhiều người ưa thích:

  • Bài  Ave Maria 1- Như sóng lộc triều nguyên ơn phước cả.
  • Bài Ave Maria 2 - Mẹ là Đấng tinh tuyền thanh vẹn.
  • Bài  Ave Maria 3 - Tấu Lạy Bà.

      Bài Trường ca Ave Maria có sức tác động phi thường,văng vẳng đâu đây tiếng kêu gọi của Mẹ Maria thấm sâu vào tâm hồn mỗi người và kết đọng thành lời cầu xin tha thiết qua nghệ thuật diễn tả của tác giả chấp cánh cho thơ Họ Hàn bay cao tới tận Thiên đình,

      Trong lãnh vực Thánh Ca , như Giáo sư Trần văn Khê kể lại kỷ niệm khi gặp Hải Linh du học ở Paris và cho biết : “ Hải Linh đã học nhiều điều trong Dân Ca và đem ra áp dụng trong nhạc Công Giáo tức là Thánh ca rất thành công vì có được màu sắc Dân tộc..” .

   3 - Phần Tình Tự Dân Tộc với Chủ Đề  TÁN TỤNG QUÊ HƯƠNG:

       Qua những tác phẩm dệt nhạc lấy từ phổ thơ ca dao, đồng dao Việt Nam như: Hò Non Nước, Cóc Quân đả phá Thiên Đình, Thằng Bờm có cái Quạt Mo, Đồng Tiền Vạn lịch, Tình Nước Non, Trăng lên, Múa hát Đêm Trăng, Các Bài Ca Nhi Đồng, Hùng tâm Dũng Chí, Nhi Đồng, cùng một số trích đoạn tiêu biểu của các Tác giả Văn học như ; Cung đàn Bạc Mệnh ( Nguyễn Du ), Chinh Phụ Ngâm (Đoàn Thị Điểm ), Tiếng Thu ( thơ Lưu Trọng Lư ) , Đà Lạt Trăng Mờ, Duyên Kỳ Ngộ, Chuỗi Cười ( thơ Hàn Mạc Tử ) , Lòng Mẹ ( Y Vân)

         Tất cả đều để lại nhiều say mê, thích thú cho người thưởng thức qua sự sàng lọc, diễn tả  tài tình của Ông sáng tác với nhiều ấn tượng khó phai mờ. Bởi vậy Nhạc Sĩ Phạm Duy trong Điếu văn Tiễn biệt Hải Linh tại Hoa kỳ 13.01.1988 đã nhắc tới: - “…Hai đại thi phẩm của dân tộc – Chinh Phụ Ngâm Khúc và Kim Vân Kiều – đã được Anh phổ nhạc thành những bản hợp ca vĩ đạivà biết bao công trình khác của Anh đã trở thành viên ngọc quý nhất của gia tài âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX này”.

 

V.- NÉN HƯƠNG LÒNG TƯỞNG NHỚ - THAY CHO LỜI KẾT

        Khi được Ủy Ban Phong Thánh Thế Giới mời điều khiển Ca Đoàn Tổng Hợp, Hải Linh đã mau  chóng sáng tác bài: “ Kính mừng các Thánh Tử Đạo Việt Nam” và “ Bài Ca Khải Hoàn”, cùng hăng say du hành đó đây chuẩn bị Ca Đoàn Tổng Hợp sang Rô Ma phụ trách hát Đại lễ Phong thánh  117 Vị Tử Đạo Việt nam vào ngày 19.6.1988 như Tòa Thánh ấn định, nhưng bất ngờ Hải Linh đột ngột qua đời, để lại bao ước mơ tốt đẹp và nhiều chương trình dang dở, với sự luyến tiếc của nhiều giới, Vì một tài năng chưa ai thay thế được trong lãnh vực chỉ huy dàn nhạc, ca đoàn hợp xướng trên qui mô lớn, như lời nhận xét của các nhà chuyên môn. Riêng phần Linh Mục Phêrô Vũ Đình Trác ( nhà thơ Võ Thanh ) một người từng gắn bó với Nhạc đoàn Sao Mai và Ca đoàn Hồn Nuớc đã ghi trong tập Kỷ yếu về Hải Linh: “ Một Thiên tài đã khuất, nhưng sự nghiệp của cố Nhạc sĩ sẽ còn tồn tại mãi…”. Vâng đúng vậy, vì khi còn sinh thời Hải Linh có năng khiếu bẩm sinh đặc biệt về âm nhạc, lại được đào luyện chu đáo nên Ông đã sáng tác và để lại nhiều tác phẩm cả Đạo lẫn Đời thật giá trị vượt thời gian và không gian, nên ngày nay sự nghiệp và tài nghệ của Nhạc sư Hải Linh vẫn luôn toả sáng ,được đề cao trong nước cũng như hải ngọai xứng đáng là một Nhạc sư tài hoa, bậc thầy của nhiều môn sinh. Nhất là đối với nền Thánh nhạc Ông đã có công rất lớn như lời phát biểu của Linh mục Đỗ xuân Quế,  Trưởng ban Thánh nhạc Tổng giáo phận Sài Gòn trong ngày lễ giỗ 6.1.1991: “ Chúng tôi xin tỏ lòng ngưỡng mộ tài nghệ của Thầy, Thầy là người có thực tài và đã đem tài năng đó ra Phụng vụ nền Thánh nhạc trong suốt cuộc đời. Chúng tôi coi Thầy là bậc đàn anh đi trước chúng tôi, một người đã từng mang trong mình những băn khoăn, thổn thức, những ước mơ rạo rực về tiền đồ tươi sáng cho nền Thánh Nhạc tại Quê hương chúng ta…”

          Ngày nay, trải qua bao biến chuyển thăng trầm của cuộc đời, nhân tình thế thái đổi thay, nhưng trong tâm hồn mọi ngưòi vẫn luôn nhớ đến những lời ca, dòng nhạc và công lao sự nghiệp của cố nhạc sư Hải Linh thật quý giá và phong phú, luôn trường tồn và chắc chắn sẽ còn được nhiều thế hệ mai sau nhắc nhở đến với bao niềm say mê, trân trọng, cảm mến, nhất là mỗi Mùa Giáng Sinh về con dân Nước Việt ở muôn nơi không thể quên được “ HANG BÊ-LEM”, một Ca khúc bất hủ với làn điệu du dương, âm thanh trầm lắng, lời ca thánh thiêng tuyệt vời:

       “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Bê-lem: ánh sáng tỏa lan tưng bừng. Nghe trên không trung tiếng hát Thiên Thần vang lừng. Đàn hát, réo rắt tiếng hát. Xướng ca, dư âm vang xa…”.

 

                                             Washington, D.C. Mùa Giáng Sinh 2012

                                                  Vinh sơn VŨ – ĐÌNH - ĐƯỜNG